Quay lại
Ngày nay cùng với sự phát triển của các tòa nhà chung cư cao tầng là sự phát triển song song và không thể thiếu của cầu thang máy. Cầu thang máy giúp cho việc di chuyển của người dân đến các tầng cao trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và công sức. Chính sự tiện ích này mà các cầu thang bộ dần bị lãng quên. Và lâu nay chúng ta đang phản ánh rất nhiều về vấn đề văn hóa thang máy nhưng cùng tồn tại với nó còn nhiều vấn đề liên quan đến cầu thang bộ cũng gây không ít phiền toái cho người dân hiện nay.
Ở chung cư, cầu thang bộ thuộc phần sở hữu chung không chỉ đóng vai trò là lối đi mà còn là lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ. Tuy nhiên, tại nhiều tòa nhà hiện nay nhiều hộ đã chiếm dụng không gian cầu thang bộ gây ra không ít phiền hà cho người dân.
Như tại Thủ đô Hà Nội, Đặc biệt trong thời gian UBND thành phố ra quân dẹp vỉa hè. Tại cầu thang của hai tòa nhà N5C, N5D thuộc khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính bỗng dưng trở thành quán ăn nhanh vào buổi trưa.Có thời điểm, khách ăn ở quán ngồi tràn kín sảnh hành lang khiến nhiều người dân trong tòa nhà đi lại bất tiện.
Theo một người dân sinh sống tại chung cư cho hay: “Kể từ khi quán ăn được mở ở hành lang, lối đi trở nên chật chội, mùi thức ăn, mùi rác rồi tiếng người nói chuyện, tiếng ồn ào khiến chung cư không khác gì một cái chợ. Người đi làm buổi trưa không về nhà thì không bị ảnh hưởng chứ nhà có người già, trẻ nhỏ ở nhà thì không thể chịu đựng được”.
Đặc biệt tại các khu chung cư cũ. Người dân lấn chiếm diện tích chung tạo nên một không gian hỗn loạn. Nhiều gia đình tận dụng không gian cầu thang bộ để phơi phóng quần áo. hay đặt tủ đựng giầy dép….Những người muốn dùng sử dụng cầu thang để rèn luyện sức khỏe, hạn chế sử dụng thang máy khi không cần thiết cũng ngao ngán với mớ hỗn độn không mong muốn. Và nếu như có hỏa hoạn, cầu thang máy không thể sử dụng, thì người dân lấy lối nào mà chạy bởi sự cản trở của chúng.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội nhận định rằng, việc cư dân lấn chiếm diện tích chung, không gian chung như cầu thang bộ phần hành lang rộng… ở các chung cư thể hiện thói quen tiểu nông chưa thích nghi với lối sống văn hóa kiểu mới.
Theo đó, ông Bình cho rằng, việc xây dựng văn hóa nhà ở, văn hóa văn minh ở chung cư, văn hóa cầu thang để lối sống của người dân ăn nhập, với chung cư kiểu mẫu thì phải có trang bị. Từ ý thức chấp hành của người dân kết hợp với giáo dục tư tưởng của ban quản lý tòa nhà trước khi người dân đến ở. Những vấn đề về an toàn, văn minh, dân sinh đòi hỏi rất nghiêm.
Câu chuyện văn hóa nhà ở chính là nhắc lại cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng lối sống văn hóa ở khu chung cư, liên quan đến chuyện rèn luyện, trang bị kỹ năng sống, thái độ sống, thay đổi lối sống để phù hợp với tiện ích của thời đại mới. Bên cạnh đó phải có sự trừng phạt, ai vi phạm xử phạt thật nặng thì sẽ bớt được thói quen tùy tiện và văn hóa thấp kém.